Tìm hiểu các loại đèn pha ô tô hiện nay
Hiện nay, phần lớn các dòng xe đều dùng 4 loại đèn pha chiếu sáng là: đèn halogen, đèn LED, đèn xenon và đèn laser. Được ví như “đôi mắt” của chiếc ô tô, mỗi loại đèn pha lại có ưu và nhược điểm riêng, gây sự khó khăn cho người dùng khi lựa chọn. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đặc điểm của các loại đèn pha trong ô tô nhé.
1. Đèn pha halogen:
Đây là loại đèn được sử dụng phổ biến nhất trên các dòng xe phổ thông hiện nay. Loại đèn này sử dụng dây tóc vonfram, được đốt đến 2.500 độ C để tạo ra ánh sáng. Ngoài ra trong bóng đèn còn được bổ sung thêm một số loại khí như argon, nitơ nhằm tăng hiệu quả chiếu sáng.
Với nhiệt độ màu khoảng 3.500 độ K, đèn Halogen cho ánh sáng vàng. Loại đèn này có ưu điểm chiếu sáng khá tốt khi đi qua các khu vực có sương mù hoặc trời mưa to.
Tuy nhiên, vì đèn pha halogen sinh nhiệt cao nên dễ bị ảnh hưởng đến hiệu suất chiếu sáng khi chỉ lẫn một lượng nhỏ hơi ẩm, đặc biệt là khi thay bóng đèn. 1 nhược điểm nữa đó là đèn Halogen tỏa nhiệt lớn, tiêu tốn nhiều điện năng, nhưng hiệu quả phát sáng lại không cao. Tuổi thọ trung bình của loại đèn này là 1.000 giờ.
2. Đèn pha xenon-HID:
Mặc dù ra đời từ cách đây rất lâu, năm 1991 nhưng gần đây, đèn xenon mỡi được sử dụng rộng rãi trong các loại xe tầm trung. Cấu tạo của đèn gồm thấu kính làm từ thủy tinh thạch anh, có nhiệm vụ phân phối đều ánh sáng ra trước đầu xe. Phía sau thấu kính là bóng đèn chứa khí xenon sẽ phát sáng khi có dòng điện đi qua.
Đèn Xenon tạo ra ánh sáng mạnh gấp 2 – 3 lần đèn Halogen, nhiệt độ màu từ 4.300 – 5.500 độ K cho ra ánh sáng trắng, gần với ánh sáng mặt trời. Vì vậy, với các xe sử dụng loại đèn này tầm nhìn của người lái luôn được cải thiện tốt. Ngoài ra, loại đèn này cần một nguồn điện lớn để khởi động, nhưng sau đó cần rất ít điện năng để duy trì độ sáng ổn định.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất cũng như bảo dưỡng đèn Xenon khá cao khi được cấu tạo từ nhiều bộ phận như thấu kính hội tụ, bóng xenon và ballast ổn định điện áp. Đây chính là lý do làm hạn chế sự xuất hiện của bóng Xenon trên nhiều dòng xe.
Bên cạnh đó, đèn Xenon có thời gian phát sáng khá chậm, khi vừa bật đèn, ánh sáng sẽ có màu xanh, sau đó đèn mất khoảng 3 – 5 giây để chuyển sang màu trắng và đạt cường độ sáng cao nhất. Độ chói của loại đèn này cũng dễ cản trở xe đi ngược chiều.
3. Đèn pha LED:
Chắc hẳn các bạn đã nghe nhiều đến cụm từ “đèn LED” rồi nhưng liệu bạn có hiểu LED là gì? Thực chất, LED là viết tắt của cụm từ “Light-Emitting Diode” được hiểu là “các đi-ốt bức xạ ánh sáng”.
Quả thực vậy, đèn LED hoạt động dựa trên cơ cấu phát sáng thông qua các diode nhỏ khi có dòng điện kích thích, chỉ cần một nguồn năng lượng rất nhỏ nhưng có thể phát một lượng nhiệt đáng kể trên diode.
Loại đèn này sử dụng những con chip bán dẫn có kích thước chỉ vài milimet. Chuyển động của các điện tử sinh ra bức xạ ánh sáng với nhiều màu khác nhau tùy vào chất trong chíp bán dẫn.
Vì vậy, các nhà sản xuất có thể chế tạo đèn LED với nhiều hình dạng khác nhau để tăng tính thẩm mĩ nhưng vẫn đảm bảo khả năng chiếu sáng của xe. Nhiệt độ màu của đèn LED đạt mức 5.000 – 6.300 độ K cho ánh sáng trắng, độ sáng có thể đạt gần 10.000
Lumen, thông số này gấp đôi so với đèn Xenon.
Một lợi điểm nữa là LED đạt độ sáng tối đa cực nhanh, chỉ trong một vài phần triệu của giây. Đó là lí do vì sao LED rất thường được dùng cho đèn báo rẽ và đèn hậu. Chúng có thể giúp tăng thời gian phản ứng của những lái xe khác lên 30%. Một số nhà sản xuất cũng tuyên bố rằng tuổi thọ đèn LED của họ lên đến 15.000 giờ.
Tuy nhiên, loại đèn này lại tỏa nhiệt rất lớn dễ làm tăng nhiệt độ của chip bán dẫn ảnh hưởng đến các chi tiết lân cận. Vì vậy, đèn LED thường được chế tạo kèm theo hệ thống làm mát, khiến chi phí, giá thành bị đẩy lên cao.
4. Đèn pha laser:
Đây là loại đèn hiện đại nhất và đắt đỏ bậc nhất hiện nay, được cho là tạo ra luồng sáng mạnh gấp 1000 lần đèn LED, nhưng chỉ tiêu thụ một lượng điện năng bằng 2/3, thậm chí 1/2, so với đèn LED. Cự ly chiếu sáng cũng xa hơn gấp đôi.
Về cấu tạo, mặc dù nó được gọi là đèn Laser nhưng tia Laser lại không có khả năng soi sáng vật thể. Thay vào đó, tia laser sẽ chiếu vào thấu kính chứa khí phốt pho vàng, khí này sẽ phát ra luồng ánh sáng mang màu trắng xanh khi bị ánh sáng Laser kích thích.
Nhược điểm của đèn laser là không có chế độ pha (high beam), vì vậy hệ thống đèn Laser cần được hỗ trợ thêm bởi đèn Bi-Xenon hoặc đèn LED, khi người lái có nhu cầu “nháy pha”. Bên cạnh đó, giá thành rất cao và cần hệ thống giải nhiệt phức tạp hơn nên chỉ có một số mẫu xe như BMW i8, Audi R8 LMX hay BMW 7 series… mới lắp đặt loại đèn này.
Trên đây là 4 loại đèn pha được sử dụng trên các dòng xe hiện nay. Rõ ràng mỗi loại đèn lại có ưu, nhược điểm riêng tùy theo từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể. Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp, các bạn có thể chọn lựa được loại đèn phù hợp nhất với mình.
- Tại sao không mở cửa ô tô được từ bên trong? 2023-07-25 09:51:27
- Nhận diện và cách khắc phục điểm mù trên ô tô 2023-07-25 08:40:00
- 6 chi tiết trên xe ô tô với công dụng rất cần thiết nhưng không nhiều người biết 2023-05-30 10:37:28
- Làm quen với chế độ lái Eco trên các dòng xe đời mới 2023-05-30 10:29:29
- Tìm hiểu về cửa kính chỉnh điện - khắc phục sự cố kẹt kính 2023-05-30 10:15:11
- Những trang bị trên ô tô có thể hữu ích khi đi chơi xa 2022-06-14 10:57:41