Ô tô bị nặng, bó phanh khi để lâu không dùng, xử trí thế nào?
Tin công nghệ

Ô tô bị nặng, bó phanh khi để lâu không dùng, xử trí thế nào?

Do không sử dụng xe lâu ngày, khi kiểm tra xe đã bị bó phanh. Tôi đã thử hạ phanh tay và nhích ga nhưng không thấy xe di chuyển.

Độc giả Bình Thanh gặp phải tình huống như sau: "Do giãn cách xã hội, xe của tôi để trong bãi ngoài trời nhiều ngày qua, đến nay ra kiểm tra thì thấy bánh bó cứng. Tôi đã thử hạ phanh tay và nhích ga nhưng không thấy xe di chuyển chút nào cả. Xin hỏi trong tình huống này tôi nên xử lý thế nào? Xin cảm ơn!"

Anh Bình có xem một số ý kiến trên mạng, người thì bảo cài số lùi rồi đạp ga, người thì bảo xịt RP7… Thông tin khá nhiễu nên anh vẫn hy vọng nhận được ý kiến từ những ai đã trải qua tình huống thực tế.

Trên đây là câu hỏi của người dùng nhờ ý kiến của CĐM giải đáp tình huống để xe lâu ngày gặp hiện tượng bó phanh. Bình thường má phanh tự động nhả khi người lái nhả bàn đạp phanh. Nhưng nếu gặp trục trặc, má phanh sẽ không nhả hoặc nhả chậm. Nguyên nhân đa phần là do lò xo kéo hoặc lò xo hồi vị má phanh bị hỏng, xi-lanh con bị hỏng, pít-tông bị kẹt,...

Trước câu hỏi này, một số người đã chia sẻ một số kinh nghiệm để xử trí tình huống này. Người dùng có nickname Nguyễn Xuân Thắng bày cách cho chủ xe như sau:

"Tôi từng vài lần bị như bạn, cách xử lý của tôi là: Bạn lên xe khởi động máy 15 phút cho máy trơn tru, đạp nhồi phanh chân vài cái, nhả hoàn toàn phanh tay, không bật điều hòa xe, mở toang 4 cửa kính trên xe, nhờ 2 thanh niên đứng vững chãi ở 2 góc đầu xe, bạn cài số lùi sẵn sàng tư thế đạp tớp ga nhưng cũng nhanh chóng chuyển chân phanh để kiểm soát chuyển động không quá đà của xe.

Quan trọng là việc làm này của bạn phải hô to hiệu lệnh để khi bạn đạp tớp ga cũng đồng thời cùng lúc với 2 bạn thanh niên du đẩy xe thật mạnh tạo xung lực để dịch chuyển. Nếu phía sau xe vướng vật cản không thể lùi xe thì bạn thực hiện với ngược lại với chiều tiến và cài số tiến. Nếu xe số sàn thì vào số 1 và nếu xe số tự động thì bạn cài số D hoặc chế độ số L1.

Trường hợp không mượn được người thì bạn dùng dây kéo xe và nhờ một xe khác kéo dật nhưng phải chú ý phối hợp giữa cú kéo dật với thao tác tớp ga của bạn. Sau này, nếu bạn để xe lâu không đi thì chỉ cần lấy 4 viên gạch chèn 4 bánh và gài về số 1 (số sàn) hoặc số P (số tự động), nhưng không kéo phanh tay". 

Người dùng có tài khoản Tô Phú Nhật Minh cũng chia sẻ một cách khá hay, đã được thử thành công như sau: "Tôi vừa mới bị như bạn. Cách tôi xử lý là hạ phanh tay, dùng con đội tháo 1 bên bánh sau, dùng búa gõ nhẹ vào tang trống của phanh, sau đó xoay thử là được. Tôi bị đi cách ly bất ngờ 1 tháng nên xe đậu ngoài sân, về cũng bị bó phanh như vậy". 

Còn theo kinh nghiệm chăm sóc bảo dưỡng của chuyên gia, nếu thấy phanh nặng hơn bình thường, người dùng phải sửa chữa ngay nếu để lâu có thể bị nặng hơn. Để sửa chữa tình trạng này, trước tiên cần phải kiểm tra hệ thống phanh ô tô để xác định nguyên nhân.

Đối với phanh tang trống
  • Bước 1: Tài xế cần xác định vị trí của xi-lanh, guốc thắng,... Sau đó, tiếp tục tháo phanh tang trống để xem có bị mòn không, nếu bị mòn thì cần phải thay thế. Song song điều này, chủ xe cũng phải kiểm tra có rò rỉ dầu không. Nếu có thì đó là nguyên nhân phanh bị nặng, bó phanh. Tiếp tục kiểm tra, các chi tiết như lò xo hồi vị (liên quan tới hiện tượng bó phanh). Nếu có hư hỏng thì cần thay thế.

  • Bước 2: Tiếp tục tháo lò xo guốc phanh. Kiểm tra xem lò xo có bị hỏng hóc gì không? Sử dụng cờ lê để nới lỏng các bu-lông cố định ống dẫn dầu và tháo ống dẫn dầu vào xi-lanh phanh. Tiếp theo tháo bu lông lấy xi-lanh ra để kiểm tra độ hao mòn và thay thế nếu cần.

  • Bước 3: Kiểm tra dầu trợ lực phanh. Lúc này, tài xế cần dùng các công cụ chuyên dụng như thước cặp, căn lá để đo độ mòn bơm trợ lực. Kiểm tra kỹ các vết nứt bên ngoài bơm trợ lực, trong trường hợp xi-lanh bị mòn có thể hàn lại nhưng nếu bị vỡ thì phải thay mới. 

Đối với phanh đĩa

Nếu xe có hệ thống phanh đĩa, tài xế nên kiểm tra các bộ phận như má phanh, đĩa phanh, hệ thống dầu phanh và bầu trợ lực phanh, bởi khi gặp trục trặc các bộ phận này cũng gây ra tình trạng phanh bị nặng hay bó cứng. 

Kết luận, để sửa chữa, khắc phục hiện tượng phanh bị nặng, bó cứng cần có hiểu biết nhất định về kỹ thuật cũng như phải có các dụng cụ chuyên dụng. Nếu không am hiểu, tài xế tốt nhất nên đưa xe đến gara để chẩn đoán cũng như khắc phục triệt để. 

avatar
Đánh giá :
x

Xem tin khác
Thiết kế bởi HuraSoft
Nguyễn Thanh Bình, số 32 Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại : 0913 51 00 33 - Email : otothanhbinh@gmail.com