Giãn cách xã hội kéo dài, nhiều xe đỗ lâu không di chuyển khiến chuột chui vào khoang máy. Đây là vấn đề khiến rất nhiều chủ xe đau đầu, cố tìm cách để đuổi hoặc diệt chuột.
Những mối nguy hại có thể gây ra khi chuột chui vào khoang máy là tạo ra mùi hôi, rác thải, đặc biệt là khi chuột chui vào hệ thống điều hòa, thậm chí làm tổ, đẻ con. Ngoài ra, nặng hơn chuột có thể cắn đứt dây diện, cắn thủng các loại bình đựng dung dịch.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chống chuột khác nhau được người dùng ôtô chia sẻ, dưới đây là các biện pháp như vậy:
Tự chế cách đuổi chuột từ đồ có sẵn
Sử dụng các dung dịch có mùi mạnh làm chuột tránh xa hoặc chất nhầy, nhớt khiến chuột không thể di chuyển là các phương pháp dễ làm nhất mà các tài xế thường áp dụng.
Các chất có mùi thường dùng là cao xoa bóp, dầu gió, băng phiến (long não), tỏi, dứa, các loại tinh dầu. Chủ xe có thể tẩm các dung dịch này vào bông, treo ở một số điểm trên khoang động cơ, thậm chí đục lỗ thủng trên lọ rồi treo lên. Trong khi đó mỡ trăn, bột ớt, dầu bôi trơn dùng để rắc, bôi trên đường đi của chuột khiến chúng gặp khó khăn và bỏ đi.
Một số tài chế khác sử dụng bẫy chuột, có thể đặt trong khoang máy, quanh xe hoặc dưới gầm xe.
Một cách cũng được nhiều người nghĩ tới là chặn đường chuột tiếp cận ôtô bằng cách sử dụng lưới mắt cáo, tấm tôn hoặc lưới vải quây sát xung quanh xe để chuột không thể trèo vào trong.
Chuột là loại vật dễ thích nghi với môi trường sống nên việc sử dụng các chất mùi mạnh thực tế có hiệu quả không giống nhau. Có tài xế chia sẻ sử dụng cách treo cao xoa bóp trong khoang máy cả tháng không thấy chuột, nhưng có chủ xe khác lại ngán ngẩm vì chỉ được một vài ngày rồi "đâu lại vào đấy". Vì vậy, cách này có thể phải thay đổi chất tạo mùi liên tục mới "lừa" được chuột.
Nhiều tài xế chấp nhận việc chuột vào khoang máy, nhưng sử dụng lưới thép bịt lỗ lấy gió của hệ thống điều hòa để hạn chế chuột vào điều hòa hoặc phía trong xe.
Dùng hoá chất, dụng cụ bán trên thị trường
Nhiều chủ xe tìm đến giải pháp mua các loại dung dịch diệt chuột, đuổi chuột được bán khá nhiều trên thị trường, được quảng cáo là vừa làm sạch, vừa đuổi được chuột. Tuy vậy, dung dịch này có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và vật nuôi.
Máy đuổi chuột cũng là một loại dụng cụ được tài xế tìm mua, với nguyên lý là tạo ra sóng âm ở tần số mà chuột không thể chịu được, vì thế chúng không thể tiếp cận. Tuy vậy, nhiều chuyên gia về khoa học từng cho rằng chưa có nghiên cứu nào cho thấy sóng âm có thể đuổi chuột, thậm chí tần số sóng này có thể gây hại cho sức khoẻ con người.
Một số khác thường xuyên vệ sinh khoang máy và sử dụng các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng để hạn chế chuột. Một khoang máy sạch sẽ cũng là cách để hạn chế chuột lại gần.
Diệt chuột bằng thiên địch
Với người có nhà riêng và xe đỗ trong sân, garage của nhà mình, nhiều chủ xe nuôi chó, mèo - hai loài thiên địch của chuột - để đuột chuột. Tuy nhiên, chó và mèo có thể cào xước thân xe. Vì vậy, xích chó, mèo gần xe vừa đủ làm chuột sợ hãi, lại không gây hại cho lớp sơn xe là cách nhiều người áp dụng. Tuy vậy, đây cũng không phải là cách hoàn hảo. Không ít tài xế cho biết, chó, mèo vẫn "ngủ ngon" khi chuột hoành hành, thậm chí chuột to không sợ mèo nhỏ.
Rắn cũng là một loài thiên địch của chuột, vì vậy có tài xế dùng rắn giả thả vào khoang máy mong có thể đuổi chuột. Thực tế, sau vài lần, chuột có thể nhận ra đó không phải là mối nguy hại mà phớt lờ.
Trên đây là một số phương pháp thông dụng được nhiều chủ xe lựa chọn để diệt chuột. Tuy nhiên, các biện pháp đều có ưu, nhược điểm và độ hiệu quả tùy thuộc vào tập tính của chuột. Vì thế, bạn có thể phải dùng nhiều cách để đuổi chuột, đồng thời cần lưu ý khi dùng các loại hoá chất, dụng cụ có thể ảnh hưởng sức khoẻ con người, cháy nổ.
Vì đặc thù khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho chuột phát triển nên loài vật này luôn là mối lo của người đi ôtô, nhất là vào mùa đông, khi chuột tìm tới khoang xe như một cách tránh rét rồi cắn phá.
Nếu được, tốt nhất tài xế nên tìm khu vực đỗ xe sạch sẽ, khô ráo, luôn giữ cho khoang máy và nội thất sạch sẽ, tránh rơi vãi đồ ăn, những thứ dễ lôi kéo chuột. Thường xuyên kiểm tra xe trong mùa dịch để hạn chế chuột làm tổ.