Lái mới và các thói quen dễ làm mất tiền triệu để sửa xe
Không chỉ lái mới mà ngay cả một số tài xế lâu năm vẫn có những thao tác theo thói quen dễ gây hỏng xe sau thời gian dài sử dụng.
Mặc dù trải qua thời gian dài với những công nghệ phát triển hiện đại để cải thiện độ bền, nhưng nếu sử dụng sai cách thì lâu dài xe hơi sẽ xảy ra những hỏng hóc với chi phí sửa chữa từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Chuyển số khi chưa dừng hẳn
Mặc dù công nghệ hộp số ngày càng được phát triển để tránh các hư hỏng từ thói quen người dùng, nhưng thao tác chuyển số khi chưa dừng hẳn vẫn là một trong những tác nhân gây hư hỏng hộp số của xe.
Thao tác chuyển số lùi sang số tiến hay ngược lại khi xe chưa dừng hẳn sẽ khiến các bánh răng hộp số và các trục xuống cấp nhanh chóng, có thể dẫn đến hỏng nặng hơn là vỡ hộp số. Để an toàn, cần dừng hẳn xe hoàn toàn rồi mới chuyển sang số khác.
Không sử dụng phanh tay khi đỗ dốc
Việc sử dụng phanh tay hay số P vẫn là yếu tố gây tranh cãi trên các hội nhóm. Tuy nhiên theo nhiều tài liệu, phanh tay có tác dụng giữ cho xe chống trôi, thế nên khi đỗ xe ở những nơi có độ dốc lớn chủ xe cần phải kéo phanh tay để chống xe trôi tự do.
Ngoài ra, việc kéo phanh tay khi đang đổ dốc còn hạn chế được việc toàn bộ trọng lượng xe đổ dồn về bộ phận chốt khóa của số P tránh được tình trạng gãy lẫy khóa số.
Tỳ tay lên cần số
Đối với các xe số tự động thì điều này hoàn toàn bình thường, nhưng đối với xe số sàn thì thói quen để tay lên cần số sau một thời gian dài có thể gây hại đến các bánh răng trong hộp số.
Cụ thể việc tỳ tay lên sẽ tạo một lực tác động vừa đủ theo thời gian sẽ khiến các chi tiết bánh răng va chạm vào nhau lâu dần sẽ khiến chúng bị mài mòn đồng thời làm giảm khả năng xử lý tình huống.
Chạy ngay khi khởi động
Đây gần như là thao tác của đa số các lái mới, khi vừa đề nổ xe sau đó vào số rồi đi luôn. Thực tế thao tác này không sai, chỉ gây hại khi để xe ngừng hoạt động trong một thời gian dài từ 6 tiếng trở lên.
Theo lý thuyết, sau một khoảng thời gian dài không hoạt động, dầu nhớt trong động cơ sẽ lắng xuống phía dưới, nếu đề máy và đi ngay lượng nhớt lắng xuống sẽ không bơm lên kịp, lâu dần sẽ tạo ra các khiếm khuyết trên các chi tiết máy gây hư hỏng. Để tối ưu sau khi dừng sử dụng xe từ 6 tiếng trở lên khi đề máy cần để động cơ chạy không tải tối thiểu 30 giây trở lên hoặc có thể quan sát kim vòng tua máy hoạt động ổn định vòng tua dưới 800 vòng là có thể lăn bánh.
Đánh lái chết, đánh lái hết cỡ
Trong nhiều trường hợp việc đánh lái hết cỡ hay đánh lái chết thì hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu lạm dụng thường xuyên sẽ gây ra tình trạng mòn lốp không đều, ngoài ra nếu tại nơi đó có nhiều dị vật như sỏi đá có thể làm rách lốp.
Ngoài ra thao tác đánh lái trên còn có thể khiến toàn bộ hệ thống lái như bơm trợ lực, thước lái, rô-tuyn,… hoạt động cao hơn do lực ma sát lớn. Với trợ lực điện hay thủy lực nếu lạm dụng quá nhiều tại một thời điểm còn gây ra tình trạng cứng tay lái do hiện tượng quá nhiệt.
Sử dụng nước lọc để làm mát
Mặc dù nước là thành phần chính trong các dung dịch dẫn nhiệt, tuy nhiên điều chỉ đúng với nước cất vốn không chứa các tạp chất khác. Nếu sử dụng nước lọc, nước giếng để châm vào bình làm mát sẽ khiến hệ thống đường dẫn bị tắc nghẽn bởi các tạp chất có trong nước, dẫn đến tình trạng quá nhiệt có thể làm hỏng động cơ.
Nếu buộc phải sử dụng nước lọc trong một số trường hợp cấp bách, người dùng cần phải súc rửa và phải thay toàn bộ dung dịch làm mát để đảm bảo tuổi thọ của hệ thống két nước và dây dẫn.
Cạn bình mới đổ xăng
Không ít các tài xế thường để xăng cạn, kim xăng ở vạch đỏ mới đổ xăng. Điều này lâu dài có thể dẫn đến hư hỏng bơm xăng. Bởi vì đa số các xe hiện đại ngày nay đều có bơm xăng trong bình xăng, được làm mát bằng chính nhiên liệu đó. Nếu lượng nhiên liệu quá thấp sẽ khiến máy bơm bị nóng, làm việc không hiệu quả.
Khi bơm xăng hỏng bất ngờ, người dùng phải tốn không ít chi phí để gọi xe cứu hộ và sửa chữa khắc phục. Thực tế nếu kim xăng ở mức trên vạch đỏ khoảng 1 đến 2 vạch người dùng cần đổ xăng để đảm bảo tuổi thọ cho bơm xăng cũng như việc hết xăng dọc đường.
Gạt mưa không phun nước
Khá nhiều người có thói quen sử dụng cần gạt mưa mà không phun nước rửa kính. Điều này cực kì có hại cho bề mặt kính xe, bởi cát bụi sẽ làm trầy bề mặt kính. Điều này không dễ dàng phát hiện chỉ đến khi nào gạt mưa có tiếng kêu thì lúc đó đã quá muộn để khắc phục.
Ngoài ra, người dùng còn phải châm các dung dịch chuyên dụng để rửa kính, hạn chế sử dụng nước lọc có thể làm tắc ống dẫn và không đủ độ bôi trơn.
Ít rửa xe
Mặc dù được xem là phương tiện di chuyển, nhưng các chủ xe cũng nên lưu ý việc chăm sóc bằng việc duy trì việc rửa xe đều đặn tránh việc lấm lem bùn đất, bụi bẩn lâu ngày làm các bộ phận như lớp sơn, gầm xe,… gây lão hóa nhanh làm mòn gỉ sét.
Không chỉ ở ngoại thất việc vệ sinh nội thất còn giúp khoang lái sạch sẽ tránh các mùi hôi ẩm mốc cũng như chặn sự xâm nhập của các loại côn trùng.
- Tại sao không mở cửa ô tô được từ bên trong? 2023-07-25 09:51:27
- Nhận diện và cách khắc phục điểm mù trên ô tô 2023-07-25 08:40:00
- 6 chi tiết trên xe ô tô với công dụng rất cần thiết nhưng không nhiều người biết 2023-05-30 10:37:28
- Làm quen với chế độ lái Eco trên các dòng xe đời mới 2023-05-30 10:29:29
- Tìm hiểu về cửa kính chỉnh điện - khắc phục sự cố kẹt kính 2023-05-30 10:15:11
- Những trang bị trên ô tô có thể hữu ích khi đi chơi xa 2022-06-14 10:57:41