Kinh nghiệm cho tài xế mới lái đi đường đèo dốc
Lái xe trên những cung đường đèo dốc chưa bao giờ là dễ dàng với những người mới lái, thậm chí là cả những người lái xe lâu năm. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ đắc lực từ những trang bị có sẵn trên xe, người lái cũng cần chú ý một số nguyên tắc để có một chuyến đi an toàn.
Theo kinh nghiệm lái xe của những tài xế hay chạy đường đèo núi, sẽ có nhiều cách để bạn hoàn toàn có thể làm chủ những con dốc nếu như bạn tuân thủ một số mẹo đơn giản dưới đây:
- Trước mỗi chuyến đi lên vùng núi, hãy thiết lập một lộ trình phù hợp và chắc chắn rằng xe của bạn có thể xử lý tuyến đường bạn đã chọn.
- Trước khi bắt đầu di chuyển vào cung đường đèo núi, bạn nên đừng xe lại để nghỉ ngơi và kiểm tra kỹ lưỡng lại côn, phanh, số ga và lốp. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc chưa yên tâm về chi tiết nào cần phải tiến hành xử lý ngay.
- Khi lái xe trên dốc, hãy tránh đi ngang đốc hoặc đánh lái trên dốc vì hành động này sẽ khiến chiếc xe mất lực kéo và trượt ngang. Luôn lái xe lên thẳng và xuống thẳng, hoặc tránh hoàn toàn những đoạn đường dốc nếu có thể.
- Trước khi lái xe qua đỉnh dốc, hãy cố gắng nắm bắt tình trạng giao thông ở phía bên kia.
- Hầu hết các con đường quanh co hoặc đồi núi dốc đều có những cảnh báo rõ ràng. Tuy nhiên, ở các khúc cua và trên những con dốc, bạn cần lái xe một cách chậm rãi để có thể dễ dàng quan sát các biển báo tốc độ.
- Tránh rà phanh khi xuống dốc. Nếu bạn đang điều khiển xe số sàn, hãy về số thấp trước khi bắt đầu đổ đèo để phanh bằng động cơ. Luôn nhớ nguyên tắc cơ bản là "Lên số nào thì xuống số đó" bất kể xe số sàn hay số tự động.
- Hãy chú ý đến các phương tiện phía sau nếu bạn kéo rơ-moóc hoặc khi bạn đang lái một chiếc xe cắm trại (nhà di động) có trọng lượng lớn lên đoạn đường núi dài và dốc. Hãy đi sát vào lề đường và để các phương tiện khác vượt qua một cách an toàn khi có thể.
Ngày nay, bên cạnh việc tuân thủ các kỹ năng đi đường đèo dốc, các hãng xe cũng đã đưa thêm nhiều tính năng công nghệ hỗ trợ việc di chuyển trên các điều kiện địa hình đèo núi hiểm trở giúp cho người lái điều khiển chiếc xe trở nên dễ dàng hơn.
Ví dụ như hệ thống hỗ trợ đổ đèo, nó sẽ liên tục điều chỉnh lực phanh để hỗ trợ kiểm soát độ trượt và duy trì tốc độ đã được cài đặt từ trước trong khi bạn đang lái xe xuống dốc. Hệ thống này giúp bạn tập trung hoàn toàn vào việc đánh lái và không còn phải lo rà phanh hoặc giảm số liên tục.
Khi xuống dốc, hệ thống hỗ trợ đổ đèo có thể duy trì tốc độ xe trong khoảng từ 3 - 20 km/h và chỉ kích hoạt khi tốc độ xe dưới 32 km/h. Nhờ chỉ toàn tâm toàn ý cho việc điều khiển chuyển hướng, người lái sẽ bớt căng thẳng khi đương đầu với những thử thách trên những con đường núi ngoằn ngoèo và chật hẹp.
Tiếp đó là hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Tính năng này sẽ ngăn chiếc xe không bị trôi trên đoạn đường dốc, để người lái có một vài giây để nhả chân phanh và chuyển sang chân ga. Nó đặc biệt hữu ích với những xe số sàn khi giúp người lái phối hợp côn, ga linh hoạt hơn.
Không chỉ hữu dụng ở những cung đường núi hay những đoạn đường mòn dốc ở vùng nông thôn, hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc còn hỗ trợ những người lái trong các tình huống như đi lên đoạn đường dốc của nhà để xe cao tầng, hay tăng tốc sau khi dừng đèn đỏ trên đoạn đường dốc, và đặc biệt hữu dụng khi bạn cần lùi lên dốc để vào chỗ đỗ xe.
Một số dòng xe thường yêu cầu từ 6-8 độ nhưng trên xe Ford, tính năng này sẽ được kích hoạt khi xe dừng trên dốc từ 5 độ trở lên. Khi được kích hoạt, lực phanh sẽ được duy trì và giữ cho xe đứng yên trên dốc trong khoảng hai giây sau khi người lái nhả bàn đạp phanh. Phanh cũng sẽ được nhả khi người lái nhấn ga, để động cơ tạo ra đủ công suất giúp xe không bị trôi xuống dốc.
Và để di chuyển trên đường đèo núi, một chiếc xe gầm cao dẫn động 4 bánh sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng và phù hợp với các cung đường kiểu này. Những chiếc xe 2 cầu dang chia thành 2 loại một là 4WD và AWD. Với xe AWD, nó sẽ được lập trình phân tích các tình huống để đưa ra các chế độ phân phối lực lên các bánh.
Nhưng với xe 4WD, việc lựa chọn chế độ dẫn động 2 cầu nhanh (4H) hay 2 cầu chậm (4L) đóng vai trò quyết định trên cung đường đèo núi. Đặc biệt trên những đoạn đường dốc đứng, chế độ lái phù hợp nhất sẽ luôn là chế độ 2 cầu chậm (4L).
Chế độ này tận dụng sự gia tăng tỷ số truyền để nâng cao khả năng vận hành và tăng độ phản hồi của động cơ, từ đó giúp bạn vượt qua những cung đường off-road có độ khó cao hay vượt qua những bãi đá lớn ở tốc độ thấp.
Điểm lợi thế trên những chiếc xe SUV dẫn động 4 bánh 4WD ngày nay là đều đã được trang bị tính năng gài cầu điện tử tự động 4X4, nó cho phép người lái dễ dàng chuyển đổi giữa hệ thống dẫn động hai bánh và bốn bánh ngay cả khi xe đang di chuyển, trong khi các bộ khoá vi sai trung tâm hay vi sai cầu sau giúp người lái có thêm khả năng kiểm soát và tự tin hơn trên địa hình không bằng phẳng.
Mặc dù vậy, các tính năng hỗ trợ người lái kể trên chỉ mang tính bổ trợ và không thay thế được sự tập trung, khả năng phán đoán và sự điều khiển của người lái. Chúng không thay thế việc lái xe an toàn. Vì vậy, cuối cùng điều quan trọng nhất là hãy giữ một cái đầu lạnh khi lái xe để đảm bảo chuyến đi luôn suôn sẻ.
- Tại sao không mở cửa ô tô được từ bên trong? 2023-07-25 09:51:27
- Nhận diện và cách khắc phục điểm mù trên ô tô 2023-07-25 08:40:00
- 6 chi tiết trên xe ô tô với công dụng rất cần thiết nhưng không nhiều người biết 2023-05-30 10:37:28
- Làm quen với chế độ lái Eco trên các dòng xe đời mới 2023-05-30 10:29:29
- Tìm hiểu về cửa kính chỉnh điện - khắc phục sự cố kẹt kính 2023-05-30 10:15:11
- Những trang bị trên ô tô có thể hữu ích khi đi chơi xa 2022-06-14 10:57:41